Xem chi tiết bài viết - Xã Vĩnh Ô - Vĩnh Linh

Xây dựng nông thôn mới

Phụ nữ xã Vĩnh Ô chung tay xây dựng nông thôn mới


Ngày cập nhật: Ngày cập nhật:  27/04/2022

(QT) - Hưởng ứng cuộc vận động chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của hội viên phụ nữ.

 

Chị Hồ Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Ô nói vui khi dẫn chúng tôi men theo con đường lầy lội vào thôn 4: “May mắn là bây giờ không phải mùa mưa lũ nên dù đường có hơi khó đi thì vẫn vào được đến các bản. Chứ các anh chị lên với Vĩnh Ô những ngày mưa lớn, đường sá bị chia cắt, lỡ vào đến các thôn bản thì chỉ có cách ở lại chờ nước rút mới có đường ra”. Theo lời chị Thu thì đường sá đã thuận lợi hơn trước nhiều, nhưng với những người lần đầu tiên đặt chân đến Vĩnh Ô như chúng tôi, chật vật băng qua những quãng đường lầy lội để vào đến được nhà dân thì đường giao thông liên thôn ở Vĩnh Ô vẫn rất trắc trở, nhất là về mùa mưa.

Là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Vĩnh Linh, Vĩnh Ô hiện có 320 hộ dân, 1.299 nhân khẩu, sinh sống trên địa bàn 8 thôn, bản; trong đó 5/8 thôn, bản vẫn chưa có đường ô tô đi lại. Về mùa mưa lũ, cuộc sống của người dân ở các thôn bản gần như biệt lập với bên ngoài, giao thương cách trở. Trong câu chuyện về rất nhiều cái khó của Vĩnh Ô, chị Thu cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn ở mức hơn 75% với 254 hộ nghèo, có 22 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân của người dân chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2017, Hội Phụ nữ xã kết nạp được 258 hội viên. Đời sống kinh tế còn nhiều thiếu thốn, nhưng các phong trào của phụ nữ luôn được chị em tích cực hưởng ứng. “Thay đổi ý thức và tập quán sinh hoạt của người dân là một việc không hề dễ dàng. Ví dụ như từ trước đến nay, người dân không có thói quen làm nhà vệ sinh, chính vì vậy khi Hội Phụ nữ đứng ra tuyên truyền vận động, chị em phụ nữ đi đầu thực hiện, nhiều người cho rằng không cần thiết. Nhưng bây giờ thì đã khác, phần lớn các gia đình trong xã đều đã làm nhà vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt, nhà ở cũng được xây dựng theo tiêu chí hợp vệ sinh, không nuôi, nhốt gia súc ngay dưới sàn nhà như trước đây nữa”, chị Thu cho biết.

Bằng các biện pháp tuyên truyền hiệu quả, Ban Chấp hành Hội LHPN xã cũng đã vận động gia đình hội viên hình thành thói quen sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt thay vì dùng nguồn nước từ khe, suối như trước đây. Trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng NTM, hội viên phụ nữ xã đã tổ chức nhiều buổi lao động phát quang hai bên lề đường từ bản 8 về bản 5 với chiều dài 5 km. Đặc biệt, để có đường giao thông thông suốt giữa các thôn, hội viên phụ nữ đã cùng với các tổ chức đoàn thể tập trung gom đá lát làm đường qua các khe suối, tạo nên những “chiếc cầu” đặc biệt thuận tiện cho việc đi lại, nhất là cho con em đến trường. “Việc gom đá suối đắp thành đường thường xuyên được chị em chủ động thực hiện, vì cứ làm được một thời gian, có có mưa lũ lớn là đá bị cuốn trôi, không còn đường để qua, rất bất tiện. Đó cũng là cái khó của các hộ dân ở đây vì điều kiện chưa có những cây cầu chắc chắn bắc qua các khe suối, nên chỉ có cách này để khắc phục thôi”, chị Hồ Thị Xoa, hội viên phụ nữ xã Vĩnh Ô chia sẻ thêm.

Trong phong trào vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, Hội LHPN xã và 8 chi hội tiếp tục thực hiện hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo đa chiều có địa chỉ trên cơ sở rà soát, nắm bắt cụ thể nguyên nhân và phân công giúp đỡ từng hội viên. Hội đã xây dựng mô hình tiết kiệm bắt buộc với tổng số tiền hơn 14 triệu đồng để giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tích cực hỗ trợ chị em phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Như trường hợp của gia đình chị Hồ Thị An, ở bản 2, bản thân chị An là người tàn tật, làm mẹ đơn thân, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Được Hội LHPN xã giúp đỡ tạo điều kiện tiếp cận vốn vay, chị An đã đầu tư chăn nuôi lợn, nấu rượu để cải thiện cuộc sống. Bây giờ, mẹ con chị đã xây được ngôi nhà trị giá 70 triệu đồng, đời sống dần ổn định. Chị An cho biết: “Số hộ phụ nữ nghèo trong toàn xã hiện vẫn còn chiếm số lượng rất đông, tuy vậy gia đình tôi may mắn được Chi hội phụ nữ thôn quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn sản xuất. Hiện tại, tôi vẫn duy trì việc chăn nuôi đàn lợn 4 con, nấu rượu để có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học, đồng thời có tiền để hàng tháng trả dần khoản tiền vay”.

Theo chị Hồ Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã, các nguồn vốn do Hội Phụ nữ quản lý đến nay khoảng hơn 1,7 tỷ đồng. Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ thường xuyên nhắc nhở kiểm tra 2 tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đốc thúc hội viên trả nợ đúng hạn. Bên cạnh đó, thực hiện đề án 1695 của UBND huyện Vĩnh Linh về giảm nghèo bền vững cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã Vĩnh Ô xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn. Trong đó, có 20 hộ gia đình là hội viên phụ nữ tham gia trồng nghệ với diện tích 1,3 ha, được huyện hội hỗ trợ cây giống và phân bón. Việc đưa giống cây mới trồng trên đất Vĩnh Ô sẽ mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp vốn còn nhiều hạn chế đối với địa phương này.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, văn hóa, nhưng Vĩnh Ô vẫn đảm bảo duy trì là địa phương hầu như chưa có tệ nạn xã hội. Đây chính là một nỗ lực lớn của chính quyền địa phương, trong đó có vai trò không nhỏ của hội viên phụ nữ xã. Chính phụ nữ là những người trực tiếp giáo dục con em mình không sa vào các tệ nạn rượu chè, cờ bạc, vi phạm pháp luật. Bằng nỗ lực chung của các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân xã Vĩnh Ô để xây dựng NTM, đến nay xã đã đạt được 8 tiêu chí, đó là quy hoạch, điện, cơ sở vật chất văn hóa, nhà cộng đồng thôn, y tế, hệ thống chính trị, cơ sở hạ tầng, quốc phòng - an ninh và tiêu chí về môi trường.

Xây dựng NTM ở Vĩnh Ô vẫn còn là chặng đường khá gian nan để về đích. Mỗi tổ chức, đoàn thể đều đang nỗ lực phấn đấu để cùng với chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu này. Đối với Hội LHPN xã, định hướng trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện các hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo đa chiều có địa chỉ trên cơ sở phân công giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên về các mô hình phát triển kinh tế, mô hình giảm nghèo do hội tổ chức. Đồng thời duy trì và phát triển có hiệu quả các nguồn vốn vay do hội quản lý, khuyến khích hội viên phát triển chăn nuôi, nhất là trồng cỏ, nuôi bò nhốt, nuôi dê, lợn bản, lợn rừng để nâng cao giá trị kinh tế.

CÁC TIN KHÁC

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH