Là địa phương miền núi, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh đứng trước vô vàn thử thách. Năm 2011, ở địa phương này tỷ lệ hộ nghèo chiếm ở mức 70%, cơ sở hạ tầng kém phát triển, trình độ dân trí không cao, tập quán canh tác lạc hậu... đã trở thành rào cản lớn. Tuy nhiên với những nỗ lực không ngừng nghỉ, sau 13 năm, Vĩnh Ô đã cán đích NTM. Đến Vĩnh Ô hôm nay, ai nấy đều nhận thấy rõ một luồng sinh khí mới được lan tỏa trong đời sống của người dân từng bản làng.
Những năm đầu bắt tay xây dựng NTM, Vĩnh Ô gặp không ít khó khăn, thách thức. Là xã thuần nông với gần 97% dân số là người đồng bào dân tộc Vân Kiều. Phát triển kinh tế chủ yếu từ hoạt động nông nghiệp nhưng lại manh mún và không có điểm nhấn. Bởi vậy, khi khảo sát đánh giá thực trạng và đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM thì Vĩnh Ô hầu như chưa đạt tiêu chí nào. Ngoài ra, chính tư tưởng trông chờ ỷ lại ở một bộ phận người dân và cán bộ, nên việc huy động sức dân cũng trở thành một thách thức lớn.
Xuất phát điểm thấp nên Vĩnh Ô rất thận trọng trong việc lựa chọn các tiêu chí để thực hiện. Từ phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, xã tập trung kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy lãnh đạo, quản lý thực hiện chương trình từ xã đến thôn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng NTM, sau đó tổ chức tuyên truyền đến người dân; nhiều cán bộ, đảng viên cơ sở còn phát huy tốt tính tiền phong gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện.
Sau 10 năm xây dựng NTM, Vĩnh Ô đã có nhiều sự thay đổi, nhưng khó khăn vẫn chống chất khó khăn. Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Ô, Nguyễn Đức Thông cho biết: “Đến cuối năm 2022, xã còn 71 nhà ở còn tạm bợ, dột nát; tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở mức trên 25%; cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn chưa đảm bảo cho việc dạy và học; thu nhập bình quân đầu người vẫn còn ở mức quá thấp. Và đặc biệt tiêu chí cơ cấu tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn rất khó thực hiện vì sản xuất vẫn còn rất nhỏ lẻ, manh mún, người dân vẫn còn quen với tập quán canh tác lạc hậu; chưa được tiếp cận nhiều với tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng phát triển kinh tế. Thời điểm này xã cũng mới chỉ đạt 13/19 tiêu chí NTM”.
Tuy nhiên, theo lộ trình của huyện Vĩnh Linh, đến năm 2024, huyện sẽ đạt chuẩn NTM. Xác định, việc xã Vĩnh Ô có về đích NTM vào năm 2024 hay không là vấn đề có ý nghĩa quyết định. Chính vì vậy, chính quyền địa phương xã Vĩnh Ô đã đưa ra giải pháp phù hợp với tình hình. Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Ô, Nguyễn Đức Thông cho biết thêm: “Để phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện Chỉ thị số 22-CT/HU ngày 27/11/2023 của Ban Thường vụ Huyện uỷ và Kế hoạch 174/KH-UBND ngày 12/12/2023 của UBND huyện về xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Đảng uỷ đã ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia xã Vĩnh Ô, giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo UBND xã ban hành Kế hoạch 86/KH-UBND xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng thực hiện 2 tiêu chí quan trọng đó là về nhà ở dân cư và tiêu chí tổ chức sản xuất. Trong thời gian qua, địa phương đã phối hợp với các ngành, các cấp xoá nhà tạm, nhà dột nát cho 58 hộ gia đình trên địa bàn đảm bảo 3 cứng theo quy định giai đoạn 2022-2024. Đồng thời thành lập Tổ hợp tác Măng bản Xà Nin, triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả. Qua rà soát, hiện nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Đặc biệt tiêu chí hài lòng của người dân đạt trên 96%”.
Hiện nay, 100% thôn ở xã Vĩnh Ô đã được công nhận thôn đạt danh hiệu văn hóa. Xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập đúng độ tuổi tiểu học ở mức độ 3, phổ cập xóa mù chữ đạt mức độ 2. Duy trì công nhận xã tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân. Song song với đó, người dân đã phát huy tốt nguồn giống cây trồng vật nuôi được hỗ trợ, sử dụng tối đa diện tích đất sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã Vĩnh Ô còn 11,74%; Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,6 triệu đồng/người/năm.
Đến với những bản làng của đồng bào Vân Kiều Vĩnh Ô hôm nay đã có những đổi thay rõ rệt. Vùng đất khởi đầu của đường Trường Sơn huyền thoại, hứng chịu bom đạn năm nào nay trãi dài màu xanh trù phú; nhiều mô hình kinh tế mới hiệu quả được triển khai; những ngôi nhà kiên cố được xây dựng; đời sống người dân ở bản làng được cải thiện; trẻ em được cắp sách tới trường trong niềm hân hoan, phấn khởi... Tất cả đang mở ra hi vọng mới về ngày mai ấm no hơn, hạnh phúc hơn. Người dân Vĩnh Ô, tự hào được mang họ Hồ của Bác luôn đặt trọng niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu xóa nghèo, vươn lên làm giàu góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Linh ngày càng đổi mới, khang trang.