QRTV- Bây giờ lên Vĩnh Ô không còn khó khăn như trước, con đường đất đỏ lắm ổ gà, ổ trâu và nhiều đèo dốc từ thị trấn Bến Quan lên đến trung tâm xã năm nào nay đã được thảm nhựa. Hai bên đường ngày càng có thêm nhiều nhà sàn kiên cố của đồng bào dân tộc thiểu số mọc lên. Đời sống của người dân nơi đây cũng đang từng bước được cải thiện, nhiều hộ có cuộc sống khá hơn.
Ông Hồ Văn Thủy, người dân ở bản 3 nói với chúng tôi rằng: Nhờ Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng cầu, đường, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, việc đi lại, sinh hoạt, khám chữa bệnh, con em học hành thuận lợi hơn trước nhiều. Mặt khác, người dân được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, được cán bộ về tận nơi hướng dẫn kỹ thuật nên các hộ gia đình từng bước thay đổi tập quán canh tác, phát triển kinh tế. Ngoài trồng rừng, trồng hoa màu, chăn nuôi, những nơi có công trình thủy lợi, nhà nào cũng tích cực khai thác đất bằng ven khe suối làm ruộng nước, giảm dần diện tích lúa rẫy.
Xã Vĩnh Ô nằm ở phía Tây của huyện Vĩnh Linh có 8 thôn là nơi sinh sống của 340 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nhiều nguồn lực, trong những năm qua, xã đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Đồng thời thực hiện các chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo cũng như tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các phòng ban, đoàn thể của huyện Vĩnh Linh, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Toàn xã đã trồng, chăm sóc 323 ha rừng, các hộ gia đình đã biết chọn giống, gieo sạ, canh tác lúa nước 2 vụ, mở rộng diện tích lên 45 ha, năng suất đật 3 tấn/ha, duy trì 40 ha lúa rẫy, gieo trồng hơn 40 ha hoa màu các loại và trồng 15 ha cây ăn quả. Bên cạnh đó, tích cực phát triển chăn nuôi, tổng đàn trâu bò hiện có gần 600 con, lợn gần 400 con. Ngoài việc tuyên truyền và hỗ trợ cho người dân sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, tuy xuất phát điểm thấp và gặp rất nhiều khó khăn nhưng xã Vĩnh Ô vẫn có nhiều nỗ lực trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt 8 tiêu chí, đó là quy hoạch, điện, cơ sở vật chất văn hóa, nhà cộng đồng thôn, y tế, hệ thống chính trị, cơ sở hạ tầng, quốc phòng và an ninh và tiêu chí về môi trường.
Tuy bộ mặt của xã đã có nhiều đổi thay hơn trước nhiều, mức sống của người dân có được cải thiện, song do nhiều nguyên nhân, nhất là địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều đèo dốc, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nên năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi thấp. Bên cạnh đó, đường giao thông từ trung tâm xã về đến các bản chưa được đầu tư nên việc giao thương, buôn bán khó khăn, sản phẩm làm ra bán với giá rẻ, 1 ha rừng khai thác ở bản 8 hiện nay bán với giá chỉ 5 đến 6 triệu đồng/ha. Mặt khác, sống ở vùng miền núi, diện tích đất tự nhiên rộng nhưng nhiều hộ gia đình vẫn còn thiếu đất sản xuất. Do đó thu nhập bình quân đầu người chỉ 8 triệu đồng và toàn xã vẫn còn 254 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 75,1%, có 22 hộ cận nghèo, chiếm 6,5%.
Có thể nói, hiện tại Vĩnh Ô là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Trị và điều đáng nói hơn là những hộ đã thoát nghèo nhưng chưa mang tính chất bền vững, khả năng tái nghèo rất cao. Thấy rõ điều này, năm 2018 xã đề ra chỉ tiêu giảm 5 - 7 % tỷ lệ hộ nghèo. Ông Hồ Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh cho biết: Đây là 1 thách thức rất lớn nhưng với quyết tâm chính trị, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã cam kết phấn đấu hoàn thành. Trước hết, đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm đưa công trình đập thủy lợi LaVa thôn Mít vào sử dụng để mở rộng diện tích lúa nước và hướng dẫn người dân chăm sóc, thâm canh, tăng năng suất, ổn định lương thực tại chổ. Bên cạnh đó, khi các đơn vị, tổ chức trên địa bàn giao lại đất rừng, kịp thời cấp đất cho bà con sản xuất và động viên các hộ gia đình chọn lựa 1 số loại rau màu phù hợp đưa vào gieo trồng, đặc biệt trong năm trồng mới 70 ha rừng tràm. Đồng thời khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi, nhất là trồng cỏ, nuôi bò nhốt, nuôi dê, lợn bản, lợn rừng. Mặt khác, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về hỗ trợ kinh phí làm nhà ở, khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế cho người nghèo, bảo hiểm y tế trẻ em dưới 6 tuổi. Ngoài sự nỗ lực của địa phương, chính quyền và nhân dân Vĩnh Ô rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Không chỉ ưu tiên đầu tư thêm 1 số công trình phúc lợi, phục vụ sản xuất và dân sinh mà người dân ở đây rất muốn được tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc và xây dựng một số mô hình trình diễn để bà con tham khảo, học tập, nhân rộng.