Xem chi tiết bài viết - Xã Vĩnh Ô - Vĩnh Linh

Xây dựng nông thôn mới

Sau 2 năm thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực giáo dục môi trường trong nhà trường và cộng đồng” tại xã Vĩnh Ô


Ngày cập nhật: Ngày cập nhật:  21:52, Thứ Tư, 27-4-2022

Từ tháng 7/2017, Dự án “Nâng cao năng lực giáo dục môi trường trong nhà trường và cộng đồng” do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện được triển khai tại 5 đơn vị trường học thuộc vùng có liên quan đến vùng đa dạng sinh học trọng điểm Trường Sơn thuộc 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Trong đó, tỉnh Quảng Trị có 3 trường nằm trong vùng Dự án gồm: Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Vĩnh Ô, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hướng Lập, Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai, Dự án đã mang lại những hiệu ứng tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

 

Dự án “Nâng cao năng lực giáo dục môi trường trong nhà trường và cộng đồng” (2017- 2020) thuộc một phần của Chương trình “SATO YAMA UMI” có mục đích nâng cao năng lực nhằm thúc đẩy đa dạng sinh học và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, được Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt trực tiếp tổ chức thực hiện với nhà tài trợ Bảo tồn Chim quốc tế, Văn phòng Tokyo - Birdlife International, Tokyo. Đối tượng Dự án hướng đến gồm học sinh, giáo viên tại các trường học được lựa chọn và cộng đồng địa phương có liên quan đến Vùng đa dạng sinh học trọng điểm Trường Sơn thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Đây là khu vực có rừng thuộc Khu vực đa dạng sinh học trọng điểm Trường Sơn (KBA)/ Khu vực chim quan trọng (IBA) ở Khu vực chim đặc hữu vùng thấp An Nam ở miền Bắc Việt Nam, bao gồm các khu rừng thường xanh vùng đất thấp ẩm ướt ít bị xáo trộn nhất với hơn 40 loài động vật bị đe dọa toàn cầu. Tuy nhiên, những hệ sinh thái phong phú này đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi chiến tranh, một số nơi bị hư hại đến nay vẫn chưa thể phục hồi.

Bên cạnh đó, cộng đồng địa phương thuộc khu vực này đa phần là đồng bào người dân tộc Vân Kiều, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng, dẫn đến nhiều hoạt động săn bắn, khai thác quá mức tài nguyên khiến các hệ sinh thái còn lại đang chịu áp lực. Mặt khác, tập quán sinh hoạt, sản xuất làm xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên từ bao đời nay của người dân các xã miền núi đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của chính con em họ - những trẻ em vốn nhút nhát, rụt rè, ít quan tâm, tham gia vào các hoạt động xã hội. Chính vì vậy Dự án tập trung vào vấn đề giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức và năng lực cho thế hệ thanh thiếu niên các trường học thuộc vùng Dự án. Từ đó tạo sức lan tỏa góp phần thay đổi thái độ, nhận thức và hành vi của toàn cộng đồng trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên tại chính nơi sinh sống.

Các hoạt động chính của Dự án gồm: Xây dựng và phát hành tài liệu tham khảo thích hợp về nội dung giáo dục môi trường; Thành lập CLB Giáo dục môi trường (CLB GDMT) tại các trường học thuộc địa bàn Dự án; Thực hiện giáo dục môi trường và tuyên truyền nâng cao nhận thức thông qua các (CLB GDMT) và Nâng cao năng lực cho thế hệ trẻ, nhà bảo tồn trẻ, cán bộ Dự án. Trong đó, hoạt động trọng tâm là thành lập các CLB GDMT. Để hỗ trợ cho các CLB, sau khi trực tiếp đến thăm, khảo sát, Dự án, các chuyên gia đến từ Diễn đàn GDMT Nhật Bản và BirdLife xây dựng, biên soạn, cung cấp tài liệu tham khảo về giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức, các ấn phẩm truyền thông cùng nhiều phương tiện, thiết bị giảng dạy, đồ dùng học tập cho các CLB. Đồng thời cử cán bộ theo sát quản lý, hướng dẫn giúp các CLB nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả.

Với nội dung mà Dự án thống nhất, CLB trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Vĩnh Ô tổ chức sinh hoạt theo chủ đề từng tháng, tập trung vào các chủ đề: Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, Bảo vệ động vật hoang dã, Biến đổi khí hậu, Trồng cây “Khu vườn của em”, Khám phá thiên nhiên, Thi vẽ tranh “Rừng xanh quê em”. Các thành viên CLB được trải nghiệm thực tế với môi trường qua các buổi ngoại khóa tham quan, tìm hiểu về thiên nhiên, cây xanh, động vật hoang dã kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức. Kết quả, từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019, có hơn 1.100 học sinh được phổ biến các nội dung về giáo dục môi trường, mỗi em có khoảng 20 lượt giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động. CLB cũng thường xuyên thay đổi nội dung và phương thức hoạt động nhằm tạo sự hứng khởi cho các thành viên, hình thành, khơi dậy tình yêu, ý thức bảo vệ thiên nhiên cho thế hệ trẻ. Mỗi ngày, các em hào hứng khám phá thiên nhiên, tích cực tham gia vào nhiều phần việc thiết thực.

Các CLB dần đóng một vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến toàn thể các thành viên trong trường học cũng như cộng đồng địa phương. Thầy Nguyễn Văn Thông - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Vĩnh Ô cho biết: “Thái độ và hành vi của các em đã dần thay đổi và cải thiện. Hầu hết các em nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, thể hiện qua các hành động cụ thể như: vệ sinh môi trường hằng ngày ở trường, lớp và khu vực xung quanh; biết phân loại rác thải, thay thế túi nilon bằng các đồ dùng thân thiện môi trường; trồng mới, chăm sóc hoa, cây xanh; nhận biết được đặc điểm của các loài động vật quý trong vùng, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng cần bảo vệ các loài động vật hoang dã. Và quan trọng hơn biết trình bày ý kiến của mình về bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm, khuyên bố mẹ, người thân, bạn học bảo vệ môi trường, dần từ bỏ hoạt động săn bắn, buôn bán, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Ngoài ra, các em thường xuyên kết nối với các CLB các trường học khác để truyền tải thông điệp giáo dục môi trường”.

Một hoạt động quan trọng khác của Dự án là nâng cao năng lực cho các thủ lĩnh môi trường trẻ tuổi tương lai thông qua quá trình đào tạo tại chỗ. Dự án cung cấp cơ hội học hỏi cho cán bộ Dự án về công tác giáo dục môi trường, vận động sự tham gia của cộng đồng và các kỹ năng quản lý Dự án cho cán bộ Dự án. Gần đây nhất là chuyến tham quan học tập cho giáo viên 5 đơn vị trường thuộc vùng Dự án và nhân viên trẻ của Dự án để cải thiện việc tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường tại Trung tâm Giáo dục Môi trường và Du lịch Sinh thái, Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, Lâm Đồng. Tại đây các thủ lĩnh môi trường trẻ tuổi tương lai đã trực tiếp quan sát các mô-đun giáo dục môi trường và các hoạt động được phát triển bởi các sĩ quan Vườn Quốc gia cho học sinh địa phương; học về đa dạng sinh học khi đến thăm một khu rừng quốc gia, hiểu thêm về sự tương tác giữa con người, thiên nhiên và các dịch vụ sinh thái mà rừng cung cấp cho cuộc sống của con người. Sau chuyến đi, tất cả đều mở rộng tầm nhìn và rút ra những bài học thực tế cho các hoạt động CLB, Dự án. Với nhiều hoạt động thiết thực, những cán bộ trẻ Dự án ngày càng nâng cao năng lực về quản lí Dự án, triển khai các chương trình, hoạt động giáo dục môi trường. Trong quá trình trực tiếp thực hiện các hoạt động nói trên, chính cán bộ Dự án được đào tạo đã góp phần đạt mục tiêu của Dự án đặt ra là: “Nâng cao năng lực cho thế hệ trẻ, nhà bảo tồn trẻ, cán bộ Dự án” gắn với mục tiêu: “Giáo dục và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học”.

Chị Phạm Thị Mai Hương - Trưởng văn phòng đại diện Dự án cho biết “Từ các thủ lĩnh môi trường trẻ tuổi tương lai đầy nhiệt huyết, thời gian tới, chúng tôi càng quyết tâm thực hiện các nội dung còn lại của Dự án. Tin tưởng khi Dự án kết thúc vào năm 2020 cho đến sau này, nhiệm vụ phấn đấu để ngăn chặn sự mất mát về đa dạng sinh học tại Việt Nam, bảo vệ, bảo tồn tính toàn vẹn và tính đa dạng của thiên nhiên, đặc biệt là các loài động thực vật hoang dã, các hệ sinh thái tự nhiên đã lan tỏa, trở thành ý thức, trách nhiệm chung của cả cộng đồng thuộc vùng Dự án. Từ đó cùng chung tay nâng cao chất lượng sống của người dân Việt Nam và bảo đảm sự phát triển bền vững của rừng Quốc gia - đây cũng chính là mục tiêu lớn nhất của Dự án.”

CÁC TIN KHÁC

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH